Dung Hà Trùm Giang Hồ Một Thời Và Chuyên Án Z5.01

Tiểu sử Dung Hà 

Dung Hà tên thật là Vũ Thị Hoàng Dung (1965 – 2 tháng 10 năm 2000), là một nữ trùm xã hội đen ở Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại phố Trạng Trình, Hải Phòng. Từ một dân giang hồ, Dung Hà đã từng bước đạt được địa vị cao trong giới xã hội đen Việt Nam ở đất Cảng Hải Phòng. Những năm 1990 là thời kì đỉnh cao phạm tội của Dung Hà, cô cùng Năm Cam được coi là hai thế lực xã hội đen lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Vào rạng sáng ngày 2 tháng 10 năm 2000, Hải ‘bánh’ theo lệnh của trùm xã hội đen Năm Cam đã chỉ đạo Hưng ‘phi nhon’ bắn chết Dung Hà ngay trên đường Bùi Thị Xuân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện này đã khởi đầu chuyên án Z5.01 – chuyên án điều tra hoạt động phạm tội của Năm Cam, và kết quả là Năm Cam bị tử hình.
dung ha
Dung Hà

Đầu đời

Dung Hà sinh ra và lớn lên ở ngõ 23 trên phố Trạng Trình, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng; là con gái út trong gia đình 4 anh em, có 2 chị gái và một anh trai. Nơi Dung Hà sinh ra và lớn lên ở một khu vực gần bến xe nơi thông thương bến phà cửa sông Tam Bạc. Con phố nơi cô ở nằm gần rìa chợ Sắt, là một trong những địa điểm kinh doanh sầm uất nhất đất Cảng Hải Phòng lúc bấy giờ, với rất nhiều hàng hoá buôn bán từ hàng may mặc đến thực phẩm. Từ nhỏ, Dung Hà đã sớm tiếp xúc với sự phức tạp của xã hội, như thường xuyên chứng kiến cảnh lừa lọc, trộm cướp, bước ra khỏi nhà là chạm mặt giang hồ. Bản thân vốn là một người sống phóng túng, Dung Hà sớm bỏ học và nhanh chóng trở thành một thiếu nữ giang hồ ở bến xe Tam Bạc.
Theo chân một số đàn anh, đàn chị, Dung Hà lấy việc móc túi, cướp giật vặt để mưu sinh. Giữa năm 1986, trong một lần cướp giật người đi đường ở khu vực chợ Sắt, Dung bị bắt rồi lãnh án 12 tháng tù. Khi đó cô mới 21 tuổi. Ra tù Dung Hà càng ngày càng lấn sâu vào thế giới ngầm.

Giới giang hồ và những mối tình

Dung Hà kết thân và trở thành người yêu Hùng “chim chích”, một đại ca khét tiếng tại các khu vực quanh bến xe và các khu tập kết hàng hóa dọc bến xe Tam Bạc. Chuyện tình giữa Dung Hà và Hùng dần trở nên nổi tiếng theo thời gian, đặc biệt là những người sống trong thế giới ngầm. Tuy nhiên, khi mà tiền tài bắt đầu đổ về túi thì Hùng “chim chích” bắt đầu trở nên sa đọa. Mãi đến khi cơ đồ tích cóp từ công việc ở bến xe Tam Bạc bị Hùng phá nát thì lúc đó Dung mới quyết định “đường ai nấy đi”.
Năm 26 tuổi, Dung Hà quen và yêu một người đàn ông khác tên Hùng Cốm. Hùng Cốm cũng là một giang hồ khét tiếng đất Hải Phòng những năm 1985—90, từng nhiều lần vào tù ra khám, được đồn rằng trong vùng không có tên giang hồ nào qua mặt được hắn. Cùng với người tình Hùng Cốm, Dung Hà bắt đầu kinh doanh sòng bạc trong khu vực, và cả hai tiến hành hàng loạt vụ đánh dẹp nhiều đối tượng ở các khu vực khác nhau.
Sau khi Hùng Cốm bị bắt, bị tuyên án tử hình và bị đưa vào phòng biệt giam dành cho tử tù tại trại giam Hải Phòng, Dung Hà ở bên ngoài ngấm ngầm một kế hoạch với mục đích cướp tù nhằm vào trại giam Trần Phú. Dùng lựu đạn để uy hiếp các quản giáo trong nhà giam, Dung dẫn theo hàng chục tên đồng bọn mở đường thoát cho Hùng Cốm trốn ra biển, nơi có một đoàn tàu chờ sẵn mục đích để Hùng trốn sang Hồng Kông. Nhưng lựu đạn đã không phát nổ dẫn đến kế hoạch thất bại. Hùng Cốm sau những cố gắng vượt trại đã bị xử bắn. Tuy thất bại nhưng hành động và sự hết lòng vì người yêu đã khiến Dung Hà được nhiều người ngưỡng mộ, cái tên Dung Hà ngày càng trở nên khét tiếng ở đất Cảng.

Mối tình với phụ nữ

Sau cái chết của tình cũ Hùng Cốm, Dung Hà chuyển sang yêu chiều cô gái trong đám đệ tử. Dân chơi Hải Phòng thời ấy đã quá quen với hình ảnh Dung Hà cùng mái tóc ngắn như đàn ông, mặc đồ nam, điều khiển chiếc xe Rebel lạng lách trên phố.
Tuy nhiên, mối tình này bị gián đoạn vì tới năm 1995, Dung Hà bị bắt và bị kết án 7 năm tù. Sau 3 năm thụ án, Dung mới được tự do. Nhưng giờ công việc làm ăn không còn thuận lợi như trước do bị công an soi xét rất kỹ. Công việc làm ăn kết thúc, Dung Hà quyết định Nam tiến vào Sài Gòn lập nghiệp.
Cuối những năm 1990, Dung Hà ở phía bắc và Năm Cam ở phía nam là hai thế lực ngầm lớn nhất Việt Nam.

Giao tranh với Năm Cam

Biết được Hải “bánh”, một tên giang hồ đất Bắc di cư vào Nam được ông trùm Năm Cam đỡ đầu và trở nên giàu có, Dung Hà hết sức tức tối. Năm Cam từng hy vọng Dung Hà đầu quân cho mình để mở rộng hoạt động kinh doanh sòng bạc phi pháp của mình, nhưng Dung Hà lại có ý đồ khác, cố gắng chia phần lãnh địa với Năm Cam tại Sài Gòn. Dung Hà cho đàn em tới quậy phá vũ trường Monaco của Năm Cam; tổ chức chém nhau tại một sòng bạc ở cầu Hang (Đồng Nai) và những sòng bạc khác do Năm Cam bảo kê.
Đêm ngày 29 tháng 9 năm 1999, Dung Hà tiếp tục phá vũ trường Phi Thuyền do Hải “Bánh” bảo kê bằng cách tổ chức một tiệc sinh nhật giả rồi cho khoảng 20 đàn em vào vũ trường này quậy phá ném mắm tôm, chuột chết, phân người, rắn rết xuống sàn nhảy. Năm Cam vô cùng tức giận, coi Dung Hà như một cái gai trong mắt nên điều Hải “bánh” tìm gặp cô để dàn xếp.

Dung Hà bị ám sát

Khoảng 0 giờ 25 phút rạng sáng ngày 2 tháng 10 năm 2000, nhận được điện thoại chỉ đạo của Hải “bánh”, Nguyễn Việt Hưng (tức Hưng ‘phi nhon’) và Nguyễn Xuân Trường (tức Trường ‘xoăn’) đi tìm Dung Hà. Khi phát hiện Dung Hà đang ngồi chơi trước quán karaoke số 17 Bùi Thị Xuân, (Quận 1), Hưng rút súng lục 9mm và bắn thẳng vào đầu Dung Hà. Tuy nhiên, từ vụ thanh toán đẫm máu Dung Hà đã dẫn đến băng nhóm của Hải “bánh” và Năm Cam sụp đổ khi bị công an triệt phá với nhiều thành viên tham gia ám sát Dung Hà nhận án tử hình, trong đó có Năm Cam (tức Trương Văn Cam). Thi thể của Dung Hà được đưa về Hải Phòng, giới giang hồ Hải Phòng đến đưa tang kéo dài từ phố Trạng Trình (nhà riêng của Dung) đến tận Nhà hát Lớn (khoảng 2 cây số). Nhưng sau ngày giỗ thứ 49, khách và đệ tử không còn mấy ai đến thăm nom.

Di sản

Giang hồ tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hải Phòng, coi cái đêm mà Dung Hà bị bắn là một “đêm lịch sử”. Thậm chí cho tới tận ngày nay, người dân đất Cảng vẫn coi đám tang Dung Hà là có một không hai cả về mức độ hoành tráng lẫn số người tham gia. Đám tang của Dung làm người ta liên tưởng đến đám tang trong tiểu thuyết của các bố già mafia trên thế giới. Rất nhiều nhà sư, thầy cúng được mời đến đám tang để cầu siêu cho Dung Hà. Dọc con phố Trạng Trình vào nơi tổ chức đám tang tại nhà Dung, cánh đàn em đứng thành hai hàng dọc, mặc đồng phục đen. Người đến đưa tang đều trong trang phục complet đen, cài hoa hồng trắng ở ngực áo, mắt đeo kính đen, đi trên xe ô tô cũng màu đen, chỉ vòng hoa là trắng.

Hình ảnh trong văn hóa

Cuộc đời của Dung Hà được lấy làm cảm hứng cho phim Hương Ga của đạo diễn Ngô Quốc Cường công chiếu năm 2014, diễn xuất bởi diễn viên Trương Ngọc Ánh.

Con đường sa ngã của nữ quái Dung “Hà”

Bị bắn chết ở giữa Sài Gòn, nơi mà người đàn bà này những tưởng không có kẻ giang hồ nào dám động đến gót chân, vụ án Dung “Hà” đã một thời làm xôn xao dư luận bởi nó chính là sự khởi đầu cho một chuyên án lớn: Chuyên án Z501 – điều tra về các hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam.
Lớn lên từ đám “ong”, “ve” trên hè phố rồi tiếp tục trượt dài trong tội lỗi bởi những cuộc thanh toán sặc mùi máu và ớn lạnh đao, kiếm để tranh giành lãnh địa, lấy “số má”, Dung “Hà” đã có lúc leo lên được địa vị của bà trùm, không chỉ trong giới giang hồ đất Cảng, nơi thị sinh ra mà còn cả ở Sài Gòn.
Nhưng rồi, như một sự trả giá, cuộc đời của trùm giang hồ Dung “Hà” đã phải kết thúc một cách đớn đau, ê chề bởi những phát đạn, cũng của chính giang hồ.

Từ “ong ve” bên lề đường chợ Sắt

Trạng Trình là một con phố nhỏ nằm bên này sông Lấp. Gọi là “sông Lấp” nhưng thực tế đó lại là một con sông quanh năm nước cả, dài dễ đến vài cây số chạy suốt từ Nhà triển lãm thành phố đến bến xe Tam Bạc. Ở bờ bên này sông, điểm mút cuối cùng là chợ Sắt. Còn ở bờ bên kia sông, điểm mút cuối cùng là… Trại tạm giam. Không biết có gì hữu ý không trong sự phân chia tự nhiên này, khi mà tất cả đám giang hồ cộm cán nhất ở Hải Phòng hầu như đều tập trung ở cả hai đầu mút này: chợ Sắt và Trại giam.
Bây giờ chợ Sắt đã được xây mới trở thành Trung tâm thương mại hoành tráng, ốp kính sáng choang bốn bề. Nhưng từ nhiều năm trước đây, khi chợ Sắt chỉ là một khu chợ lúp xúp thì nó đã là một địa chỉ kinh doanh sầm uất nhất Hải Phòng mà bằng chứng là khi nhắc đến TP Cảng là nhắc đến chợ Sắt. Người ta có thể tìm thấy tất tật những gì cần tìm ở đây: từ hàng may mặc đến hàng ăn – từ quần bò, áo phông đến mắm tôm, cá khô; từ cái cờ lê, con ốc vít đến cả những bộ dàn âm thanh mà giá cả tính bằng đơn vị cây vàng; từ món đồ chơi trẻ em đến những chiếc xe máy đắt tiền.
Và, trong những mớ hàng hóa hầm bà làng đó, đồ chôm chỉa cũng khá nhiều nên cũng chẳng phải là quá lời khi nói rằng chợ Sắt là trung tâm tiêu thụ đồ gian lớn nhất Hải Phòng. Suốt một dãy phố dài bên này sông Lấp phía chợ Sắt từ Quang Trung, Trạng Trình, Tam Bạc… không chỉ có những người kinh doanh buôn bán mà giang hồ Hải Phòng cũng tập trung về đây, kiếm sống bằng nghề chôm chỉa, bảo kê, lừa lọc ở cái con phố lúc nào cũng tấp nập người bán kẻ mua này.
Dung “Hà” sinh ra và lớn lên ở đây, trong một ngôi nhà nhỏ ở trong một con ngõ cũng nhỏ ở phố Trạng Trình. Dung (tên thật là Vũ Hoàng Dung) sinh năm 1965 là con gái út, trên Dung còn có 2 chị gái và một anh trai. Sự phức tạp của cuộc sống bên lề chợ Sắt, bước ra khỏi cửa nhà là nhìn thấy lừa lọc, trộm cắp, là chạm mặt giang hồ cộng với bản tính ngỗ ngược vốn có đã khiến Dung quăng mình ra lề đường từ rất sớm. Dân chợ Sắt thời ấy đã quá quen với hình ảnh một cô gái mặt còn non choẹt nhưng nom rất ngông nghênh.
Dù sở hữu một gương mặt khá xinh xắn với nước da sáng, mũi thẳng nhưng khác với những cô gái khác, Dung “Hà” toàn ăn vận theo kiểu đàn ông. Trong trang phục được coi là mốt của giang hồ thời đó với quần dõng (quần bộ đội) rộng thùng thình, áo mông-tơ-ghi cổ bẻ, dép đúc bộ đội, nhìn Dung “Hà” không ai tin được đó lại là một cô gái.
Trở thành “ong ve” (từ lóng chỉ đám giang hồ vặt) từ khi còn ở tuổi thiếu niên nhưng ở thời kỳ này, Dung “Hà” cũng chỉ bắt đầu cuộc đời giang hồ bằng những trò trộm cắp, giật đồ vặt vãnh ở quanh khu vực chợ Sắt chứ chưa liều lĩnh. Thế rồi, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Giữa năm 1986, trong một lần cướp giật đồ của người đi đường ở khu vực chợ Sắt, Dung “Hà” bị bắt và bị đưa về bên kia sông Lấp, tạm giam trong Trại tạm giam Hải Phòng. Khi ấy, Dung “Hà” mới 21 tuổi và bản án 12 tháng tù giam về tội cướp giật do Tòa án Nhân dân quận Hồng Bàng tuyên phạt là tiền án đầu tiên đánh dấu giai đoạn làm “ong ve” của Dung “Hà”.
Nhưng bản án tù đầu tiên không làm Dung “Hà” thức tỉnh mà trái lại nó lại được coi như một “điểm cộng” trong thang giá trị đen theo quan niệm lệch lạc đến bệnh hoạn của giới giang hồ. Ra tù, Dung “Hà” lại trở lại lề đường chợ Sắt nhưng lần này, khi đã lận lưng một tiền án, thì với đám giang hồ, địa vị của Dung “Hà” đã bắt đầu khác. Cũng vào thời kỳ này, theo đồn đại của giới giang hồ thì Dung “Hà” cũng đã bắt đầu yêu. Thì ra, giấu bên trong vẻ ngoài đàn ông, ẩn đằng sau sự ngang tàng, ngông nghênh vẫn là một trái tim đàn bà, cũng loạn nhịp khi gặp một “tri kỷ”. Nhưng “tri kỷ” của Dung, tiếc thay, lại cũng là một giang hồ và là một giang hồ có số má ở Hải Phòng thời đó. Ấy là Hùng, biệt danh Hùng “cốm”.
Sau này, có người bảo rằng, giá như Dung Hà gặp được một người khác, không phải giang hồ thì biết đâu cuộc đời Dung sẽ khác, biết đâu cô ấy sẽ hoàn lương. Bởi tình yêu, với bản chất tốt đẹp của nó thường làm nên những điều kỳ diệu mà đôi khi vượt xa cả những tưởng tượng dù là hoang đường nhất. Nhưng mà, Dung “Hà” là một giang hồ nên tri kỷ với một giang hồ, âu cũng là điều khó tránh khỏi.
Nhà Hùng “cốm” trước đây ở đường Lạch Tray, gia đình lương thiện, chỉ có mỗi mình Hùng là hư hỏng từ nhỏ. Hùng vào tù ra khám nhiều như cơm bữa và giang hồ Hải Phòng những năm 1985 – 1990 chưa có kẻ nào qua mặt được Hùng. Là người yêu của Hùng, cộng thêm với bản tính ngỗ ngược vốn có, đương nhiên Dung được xếp vào chiếu trên, và tất nhiên được đám đệ tử coi như bề chị. Cứ thế, cùng với tình yêu kiểu trai tứ chiếng gặp gái giang hồ, Dung mỗi ngày một nổi tiếng hơn, đồng nghĩa với việc mỗi ngày càng dấn sâu hơn vào con đường tội lỗi.
Thế rồi Hùng bị bắt vì tội cướp và bị giam tại Trại tạm giam Hải Phòng. Là đại bàng ngay cả khi đã ở tù, Hùng cùng với một số tên khác đã đánh chết một phạm nhân cùng buồng giam và vì tội trạng này, Hùng bị tuyên án tử hình. Bị biệt giam, Hùng như con hổ lồng lộn trong chuồng, và một lần lợi dụng lúc được đi tắm, Hùng đã chạy vuột ra phía cửa hòng vượt ngục. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát bảo vệ trại giam ở tháp canh phía ngoài đã kịp thời nổ súng ngăn chặn.
Vụ vượt ngục không thành này của Hùng “cốm”, sau này được giới giang hồ Hải Phòng truyền nhau rằng, do chính bàn tay đạo diễn của Dung “Hà”. Nếu trót lọt, Hùng “cốm” sẽ trốn sang Hồng Công bằng đường biển theo một đường dây mà Dung đã sắp đặt sẵn. Sau khi bị bắt trở lại, Hùng “cốm” đã tự tử trong buồng giam và mối tình của Dung “Hà” đã đi vào dĩ vãng nhưng nó đã đánh dấu sự trượt dốc không phanh của người đàn bà này xuống vực thẳm của tội lỗi. Sau vụ vượt ngục, dù là bất thành, của Hùng “cốm”, tiếng tăm Dung “Hà” mỗi ngày một nổi như cồn và như thế, hy vọng hoàn lương của người đàn bà tội lỗi này ngày càng xa ngái…
Sau cái chết của Hùng “cốm”, sau khi từ hàng “ong ve” được đẩy lên thành đàn chị, năm 1991, Dung “Hà” lại bị bắt giam một lần nữa bởi tham gia vào một vụ gây lộn, cũng ở chợ Sắt. Lần này, Dung Hà bị xử 7 tháng tù giam. Thêm một tiền án, lại thêm một “điểm cộng” trong giang hồ, đồng nghĩa với việc dấn sâu thêm nữa vào con đường tội lỗi…

Đến bà trùm của công ty cờ bạc

Bấy giờ, ở Hải Phòng, cùng ở hàng “soái” như Dung Hà còn có 2 người nữa. Đó là Cu Nên (nhà ở đường Lạch Tray) và Lâm “già” (nhà ở đường Lê Lợi). Nhưng Cu Nên và Lâm “già” đã nổi trước Dung “Hà” một thời gian khá lâu, suốt từ thời Dung Hà còn ở hàng “ong”. Thời đó, Cu Nên và Lâm “già” đối nhau như “nước” với “lửa”, đám “ong ve” tay chân của hai bên lúc nào cũng trong tư thế đối đầu nhau để tranh giành lãnh địa hoạt động cờ bạc, bảo kê. Có lần, ngôi nhà của Nên ở đường Lạch Tray bỗng nhiên bị kẻ lạ mặt nào đó nhằm vào nhả đạn. Đoán chắc là đàn ong của Lâm “già” muốn đến gây chuyện, thế là chỉ ít phút sau Cu Nên cũng  lập tức cho đám thuộc hạ vác súng đến nhà Lâm “già” ở đường Lê Lợi bắn trả. Cho đến khi Dung “Hà” nhoi lên hàng soái thì đối đầu nhau không chỉ có Cu Nên và Lâm “già” mà còn thêm cả Dung “Hà” nữa.
Tuy ít hơn Lâm già và Cu Nên đến gần chục tuổi, lại nhoi lên hàng “soái” sau nhiều năm nhưng về độ liều lĩnh, Dung “Hà” luôn tỏ ra vượt trội. Phần vì để chứng tỏ bản lĩnh giang hồ. Phần vì để tranh giành lãnh địa hoạt động của kẻ đến sau.
Cũng giống như tất cả các soái khác,  lên hàng chị, Dung thôi mấy ngón nghề trộm cắp, giật dọc vặt vãnh ở lề đường chợ Sắt. Bởi lẽ, mấy thứ ấy chỉ đám “ong ve” mới làm. Từ trộm cắp, giựt dọc, khi đã có trong tay cả bầy đệ tử sẵn sàng đao búa, Dung bắt đầu chuyển qua làm trùm cờ bạc. “Con đường chuyển đổi” này của Dung cũng giống như tất thảy các soái khác. Cu Nên, Tin Palét và ngay cả sau này là Năm Cam, tất cả đều như vậy. Bảo kê và cờ bạc là đích đến của tất cả các ông trùm. Bởi, lợi nhuận thu được từ hoạt động này rất lớn.
Theo cách của Cu Nên lúc bấy giờ, Dung “Hà” cũng chơi bạc theo kiểu “công ty”. Sở dĩ gọi là “công ty” là vì chơi bạc kiểu này “nhà cái” không chỉ có một người. Nhiều người sẽ cùng góp vốn, số tiền góp này gọi là “tiền tẩy” và được đựng vào trong một cái thùng gọi là “thùng tẩy”. Khi thắng bạc, tiền thắng sẽ được gom vào thùng tẩy. Khi thua bạc thì rút tiền ở trong thùng tẩy ra thanh toán. Kết thúc canh bạc, thùng tẩy sẽ được mở, toàn bộ số tiền trong đó sẽ được chia cho những người góp tẩy theo tỉ  lệ tiền tẩy đã đóng góp.
Vào thời điểm những năm 1994-1995 thì tại Hải Phòng đây là một hình thức tổ chức cờ bạc mới và chỉ có những giang hồ có số má mới dám làm. Lẽ vì, kết thúc canh bạc, nếu thắng mà thùng tẩy bị cướp thì cũng coi như những người góp tẩy mất trắng cả cơ nghiệp. Mà ác nỗi là sẽ phải ngậm đắng nuốt cay, không dám hé răng khai báo với công an. Phần vì sợ giang hồ trả thù. Phần vì, đánh bạc là phạm tội nên báo công an chả khác gì tự chui đầu vào rọ, chết cả lút.
Công ty cờ bạc của Bùi Văn Q. ở Kiến An đã có lần bị Phạm Đình Nên và đám đệ tử của ông trùm này cậy thế giang hồ để cướp tẩy kiểu này mà phải cắn răng chịu nhục. Số là vào quãng đầu năm 1995 cùng 7 người nữa cùng góp tẩy để mở công ty cờ bạc tại nhà Q. Công ty mở được độ chục ngày thì Phạm Đình Nên cùng 2 đệ tử sang xin góp tẩy. Lúc bấy giờ, tiếng tăm của Nên đã lừng lẫy trong giang hồ Hải Phòng nên dù thực bụng không muốn nhưng Q. vẫn phải đồng ý. Góp tẩy xong, Nên quay về Hải Phòng, để rồi 3 ngày sau lại quay lại. Nhưng lần này Nên mang theo súng. Khi ông trùm vén áo, rút khẩu súng K59 chẳng nói chẳng rằng, lạnh lùng vứt ra giữa chiếu bạc thì cũng là lúc hai đệ tử từ tốn bước vào, thản nhiên bê thùng tẩy ra ngoài, quẳng lên ôtô, chạy thẳng về Hải Phòng.
Mất sạch vốn liếng, Q. và đám góp tẩy căm lắm, tiếc tiền đứt ruột nhưng đành phải nuốt nước mắt vào trong. Công ty cờ bạc của Q., sau vụ cướp tẩy trắng trợn này phải ngậm ngùi đóng cửa. Cho đến khi Dung “Hà” xuất hiện. Đó là một buổi chiều muộn. Dung cùng một bầy “ong”, tất cả đều cưỡi RingBell, đen chấy và bóng nhẫy, sầm sập đổ vào nhà Q. Dung Hà dẫn đầu, thò tay vào túi quần dõng rộng thùng thình lôi ra một bọc tiền vứt xuống giữa nhà, hất hàm bảo Q: “Tiền tẩy của tôi đấy”. Thấy bọc tiền, mắt Q. sáng lên nhưng nghĩ đến khẩu súng của Nên hôm trước là Q. lại run bần bật: “Em không dám nhận tẩy đâu. Công ty em từ bữa anh Nên qua, đóng cửa rồi! Em sợ…”. Không đợi cho Q. nói hết câu, Dung “Hà” phẩy tay, mắt long lên sòng sọc: “Cứ mở lại công ty, thằng nào muốn cướp tao thách sang đây mà cướp”.
Biết uy của “chị”, Q. thoát khỏi mối lo bị mất thùng tẩy nên thành lập lại công ty. Công ty này mở được chừng vài ba ngày thì đám chim lợn đánh hơi thấy sòng bạc này có dấu hiệu bị lộ nên đã chuyển về Núi Đèo, Thủy Nguyên, một địa điểm cách đó chừng chục cây số để hoạt động. Góp tẩy vào đây, Dung Hà thắng lớn vì số lượng con bạc đến chơi rất đông, ngày ít khoảng chừng 20 con bạc, ngày nhiều lên tới 40. Cũng nhờ vào “uy” của Dung “Hà” mà Q. và đám góp tẩy trong công ty vớ bẫm

Dung Hà và những điều ‘tuyệt mật’ chưa bao giờ được hé lộ

Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi nữ quái khét tiếng đất Hải Phòng giã từ cuộc sống, nhưng ký ức về ‘nữ đại ca’ cũng như đám tang của ả vẫn còn đọng lại trong tâm trí đàn em.
Hùng “mốc” – môt gã giang hồ thuộc dạng “tiểu yêu” thời đó, dù không có “số” nhưng lại rất gần gũi Dung Hà nhờ làm chân “phát hỏa” (chia bài) trong sòng Trạng Trình kể: “Cả đời anh chưa bao giờ thấy ai như chị Dung, kể cả lúc còn sống cũng như khi đã chết!”
Dung Hà chỉ có một – đó không chỉ là khẳng định của một mình Hùng “mốc”, mà còn của rất nhiều gã du đãng, từ tép riu cho tới cộm cán tại Hải Phòng cũng như các tỉnh thành lân cận. Thậm chí, cả cựu giám đốc công an thành phố Cảng hay vị trưởng phòng cảnh sát hình sự khét tiếng một thời Dương Tự Trọng cũng đôi khi nuối tiếc thay cho thị vì đã chọn nhầm đường. Cá tính, ý chí cũng như cách sống của Dung Hà có thể giúp ả vươn xa ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chỉ tiếc rằng, nữ quái này lại chọn giang hồ để tiến thân.

Lời tuyên thệ theo Dung Hà cả cuộc đời

Cuộc đời Dung Hà gắn với vô số các giai thoại khác nhau và giai thoại nào cũng ly kỳ, hấp dẫn hệt như phim hành động. Có những giai thoại đúng, có những giai thoại được dựng lên nhờ sự thêu dệt của giang hồ, nhưng nó chỉ phản ánh được phần nào cuộc sống đầy bí hiểm của trùm giang hồ đất Cảng. Có những câu chuyện “tuyệt mật” về Dung Hà mà sau này, mãi tới khi ả chết đi 14 năm trời mới được phần nào hé lộ.
Nói theo cách của dân giang hồ đất Cảng, thì Dung Hà thuộc loại thừa “bản lĩnh”. Không giống như các ông trùm khác đi đâu cũng phải lăm lăm cận vệ, đàn em đi cùng thì Dung Hà chỉ thích “độc lai độc vãng”. Chính sự tự tin, đôi khi là khinh địch ấy đã khiến ả phải trả giá bằng chính mạng sống của mình tại đất khách quê người. Nhưng, đó lại là một câu chuyện khác. Còn thói quen không thích đi đâu cũng tiền hô hậu ủng đã khiến Dung Hà che đậy được một bí mật suốt hàng chục năm trời, kể từ khi còn sống cho tới khi đã nằm xuống từ lâu.
Hùng “mốc” lanh lẹ và tinh ranh hệt như phần lớn số tiểu yêu đất Cảng thời đó. Tuy nhiên, ở gã có thêm đức tính đáng quý: Trung thành và ít nói, không bao giờ lanh chanh hay bép xép việc người khác. Chính nhờ tính nết đó, gã được “đàn chị” hết sức yêu quý và thường xuyên sử dụng để làm “tài xế” chở Dung đi đây đó. Và cũng nhờ nhiệm vụ đặc biệt này, gã đã được chứng kiến lời tuyên thệ đặc biệt của Dung Hà trước mộ của Hùng “cốm” – tay giang hồ được biết tới như người yêu chính thức của Dung.

Hùng “cốm” – người có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc đời Dung Hà.

Nói chút ít về Hùng “cốm” – đó là một tay giang hồ “cứng” đúng nghĩa của đất Cảng. Khác với người yêu đầu tiên Hùng “chim chích” của Dung Hà – một gã nghiện oặt chuyên nghề ăn cắp vặt – Hùng “cốm” thuộc dạng dân anh chị có số má ở Hải Phòng.
Giang hồ Hải Phòng xưa ưa kiểu quân tử Tàu, có thể sống mái với kẻ thù bất chấp nguy hiểm, nhưng hiếm khi đụng tới người lương thiện. Tính cách của Hùng “cốm” là đặc trưng của dạng giang hồ kể trên và chính hắn cũng đã ảnh hưởng rất nhiều tới tính nết của Dung Hà – giúp ả trở thành một trong những nữ quái có “uy” nhất trong lịch sử tội phạm Việt Nam.
Khi Hùng “cốm” chuẩn bị nhận án tử hình vì hàng loạt trọng tội, Dung Hà đã quyết định lên kế hoạch giải cứu người yêu – hành động táo tợn bậc nhất từ trước tới nay tại trại giam Trần Phú, Hải Phòng. Tuồn được một quả lựu đạn vào để “chồng” uy hiếp quản giáo bên trong, bên ngoài Dung cho bố trí hàng chục đàn em nghi binh, cản đường và dọn sẵn một lối để Hùng “cốm” chạy thoát ra biển – nơi có con tàu đợi sẵn để đưa y sang tới Hồng Công. Nhưng trái lựu đạn không nổ, âm mưu của Hùng “cốm” và Dung thất bại nặng nề. Hùng “cốm” bị bắt trở lại và chỉ ít lâu sau, hắn đã phải trả giá trên trường bắn, để lại một vết thương không bao giờ lành trong tâm trí Dung Hà.

Lời thề độc trước mộ người yêu.

Ảnh hưởng của Hùng “cốm” đối với Dung Hà rất lớn và sâu sắc. Tính cách ngang tàng, lì lợm, không bao giờ chịu khuất phục, nhưng cũng mang chút hơi hướng giang hồ mã thượng của Hùng đã được truyền lại hoàn toàn cho Dung, khiến ả có những tố chất quan trọng có thể thu phục hàng chục đàn em đầu bò đầu bướu. Nhưng đó chỉ là một phần những gì Hùng “cốm” đã cho Dung trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Còn một điều đặc biệt khác mà Dung dành tặng lại cho Hùng “cốm”, sau khi hắn đã phải trả giá tại pháp trường bằng cái chết: Một lời thề độc mà Dung luôn tuân thủ theo suốt cả cuộc đời.
Người chứng kiến lời thề của Dung trước mộ Hùng “cốm” không ai khác chính là Hùng “mốc” – tay tiểu yêu được Dung chọn lựa làm “ong cầm tài”. Hùng kể: “Anh vẫn nhớ hôm đó trời âm u lắm, chị Dung nói muốn ra thăm mộ anh Hùng, nói anh lấy xe chở chị đi. Tới nơi, chị Dung nói anh ở ngoài, để chị ở lại một mình với anh ấy một lát. Anh quen rồi nên túc tắc đi bộ ra phía ngoài, châm điếu thuốc hút chờ chị cúng.
Được một lát, chị gọi giật anh lại, nhờ anh châm cho bó nhang vì gió lúc ấy tự dưng nổi lên to lắm. Anh phải che mãi mới nhóm được tí lửa để chị châm nhang. Châm xong, chị thắp mấy nén lên mộ anh rồi khấn: Có trời đất chứng giám cho em, đời này em chỉ có anh làm chồng, không một thằng đàn ông nào có thể đụng vào người em được nữa.”
Hùng “cốm” kể lại, y vẫn cảm thấy rợn gai ốc mỗi khi nhớ lại khung cảnh đặc biệt và lời thề quả quyết ấy của Dung trước mộ người tình. Y không thấy ngạc nhiên lắm, bởi theo Dung đã lâu, y thừa biết tính của Dung hễ nói là sẽ làm, chưa bao giờ sai cả. Và sau này, đúng như lời Dung tuyên thệ, cuộc đời còn lại của ả không dính dáng tới bất cứ người đàn ông nào khác và Dung tự biến mình thành “les”, chứ không hề là người đồng tính bẩm sinh như người ta thường đồn đại.
Hùng quả quyết, Dung là con gái chính hiệu, chứ không hề là “ô môi” như sau này người ta đồn thổi. Mãi tới sau khi Hùng “cốm” chết, Dung mới cắt tóc ngắn, cư xử và hành động hệt như đàn ông, còn trước kia nhìn Dung khá nữ tính, kể cả ngoại hình cũng như trong lời nói, hành động. Điều này cũng được rất nhiều tiểu thương tại khu Trạng Trình, hàng xóm nhà Dung xác nhận.

Điềm gở trước mộ Hùng “cốm” trước khi Nam tiến?

Ngôi mộ Hùng “cốm” luôn là một nơi đặc biệt đối với Dung Hà. Theo Hùng “mốc”, cứ trước mỗi quyết định quan trọng, những phi vụ làm ăn lớn, Dung Hà nhất định sẽ tới mộ của người yêu cũ để thắp nhang khấn vái.
Trước khi quyết định vào Nam lập nghiệp, Dung cùng với 2 người anh đặc biệt khác – một người trong đó là Cường “nghiện” – tay giang hồ khét tiếng Hải Phòng đã bị bắt tại Campuchia vì hàng loạt tội danh nghiêm trọng – có tới trước mộ Hùng để thắp nhang. Như thường lệ, Dung vừa thắp nhang, vừa xì xụp khấn vái, xin Hùng phù hộ cho chuyến Nam tiến sắp tới của mình thuận lợi. Nhưng khi Dung vừa cắm nén nhang lên bát hương, đột nhiên bát hương bốc cháy dữ dội, lụi cả vào chân nhang. Lúc nhang tắt, chiếc bát hương bị lửa đốt nóng, tách ra một đường nứt dài. Cả Cường “nghiện” lẫn Công “béo” – hai gã giang hồ đi cùng đều tái mặt, cho là điềm gở. Chỉ riêng Dung – không hiểu tại sao lúc đó lại đột ngột trở nên ngang bướng bất ngờ và tuyên bố: Chỉ là ngẫu nhiên. Chân nhang hóa là chuyện bình thường, có gì mà sợ sệt?
Sau chuyến đi viếng mộ Hùng, Dung vẫn quyết định Nam tiến bởi sự nghiệp tại Hải Phòng đã mất, không còn cơ hội để phát triển. “Điềm gở” ở mộ Hùng “cốm” chỉ là một sự tình cờ, nhưng rốt cuộc, dấn thân vào chốn giang hồ, Dung đã phải bỏ lại mạng sống tại xứ người, chấm dứt cuộc đời đầy giai thoại của một nữ quái!

Đám tang Dung Hà có một không hai

Tháng 8/2000, do hết cửa làm ăn ở miền Bắc, Dung “Hà” đành phải dẫn đàn em dạt vào TP.Hồ Chí Minh. Lúc này đứng đằng sau Dung là Minh “sứt”, một trùm buôn lậu ma túy. “Chân ướt chân ráo” vào Sài Gòn nhưng Dung “Hà” đã bộc lộ rõ bản chất của kẻ giang hồ, muốn “chia phần” lãnh địa với “ông trùm” Năm Cam. Sau những đòn quậy phá Năm Cam như rải phân người cho đến tổ chức chém nhau, ném mắm tôm, thả rắn tại sòng bạc…, Dung đã được ông trùm nhượng bộ cho mở sòng bạc tại 17 Bùi Thị Xuân.
Theo lời khai của Hải “Bánh”, tuy đã được Năm Cam giúp đỡ nhiều nhưng Dung vẫn liên tục ra yêu sách, quậy phá việc “làm ăn” của ông trùm. Ngay cả Hải “Bánh” ngày trước từng đi theo Dung, vậy mà nay cũng bị Dung quậy vì Hải đã trở thành “đệ cứng” của Năm Cam. Không thể nhẫn nhịn với Dung nữa, Năm Cam tìm gặp Hải “Bánh” và ra lệnh: “Chú ở gần Dung “Hà” thì biết tánh nó rồi, nó muốn làm gì là làm chứ có nể ai đâu. Điều đình không được thì chú tự tính… Anh không muốn thấy mặt nó nữa”.
Ngày 29/9/2000, Hải gọi điện thoại triệu tập Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Xuân Trường đến kể chuyện bị Dung quậy phá và bàn cách trả thù. Khoảng 0h20 ngày 2/10, Hưng bắn chết Dung ngay tại trước số 17 Bùi Thị Xuân. Cái chết của Dung “Hà” khiến giới giang hồ khắp trong Nam ngoài Bắc choáng váng. Trong lúc nhiều đệ tử thân tín của bà trùm hạ quyết tâm trả thù, một trong những chuyên án truy quét tội phạm xã hội đen lớn nhất trong lịch sử hình sự nước nhà cũng được cơ quan công an tiến hành.
Dân giang hồ khắp cả nước, đặc biệt là Hải Phòng coi đêm Dung “Hà” bị bắn chết là một đêm “lịch sử”. Sau khi “cô em” chết, Minh “sứt” đã chỉ đạo đàn em tắm gội sạch sẽ, sức nước hoa, mặc quần áo mới tinh tươm rồi mời thầy cúng đến khâm liệm cho Dung “Hà”. Đến nay, người dân ở thành phố cảng vẫn cho rằng đám tang của bà trùm này là đám tang có một không hai về cả mức độ hoành tráng lẫn số người tham dự. Gần như không một đàn anh, đàn chị giang hồ có máu mặt nào ở miền Bắc vắng mặt trong đám tang đó.
Minh “sứt” chứng tỏ mình là một đàn anh đích thực khi vung tiền không tiếc tay thuê hẳn một chiếc máy bay chở xác Dung “Hà” về Hải Phòng. Tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng), tất cả đàn em của bà trùm đều có mặt để đón linh cữu bọc quan tài kẽm của “chị cả”.
Đám tang của Dung làm người ta liên tưởng đến đám tang trong tiểu thuyết của các bố già mafia trên thế giới. Rất nhiều nhà sư, thầy cúng được mời đến đám tang để cầu siêu cho Dung “Hà”. Quan tài của Dung được đắp hoa rực rỡ. Dọc con phố Trạng Trình vào nơi tổ chức đám tang tại nhà Dung, cánh đàn em đứng thành hai hàng dọc, mặc đồng phục đen.
Đệ tử, người quen đến đưa tang cứ nối hàng kéo dài từ phố Trạng Trình tới tận Nhà hát Lớn (khoảng 2km). Người đến đưa tang, ai nấy đều trong trang phục veston đen, cài hoa hồng trắng ở ngực áo, mắt đeo kính đen, đi trên xe ô tô cũng màu đen, chỉ vòng hoa là trắng.
Trước giờ đưa bà trùm về nơi an nghỉ cuối cùng, Minh “sứt” đã chỉ đạo đàn em đứng dọc các tuyến phố có xe tang đi qua. Quãng đường từ Cầu Rào tới nghĩa trang Ninh Hải cũng bị phong tỏa. Một đoàn xe hơi màu đen láng cóng xếp dài cả cây số trên phố chầm chậm đi sau xe quan. Phía sau là đoàn người dài kín phố…

Cô quạnh mộ “bà trùm”

Một ngày đầu tháng 11/2014 này, chúng tôi đã đến thăm mộ Dung “Hà” ở nghĩa trang Ninh Hải. Do nấm mồ của bà trùm nằm mãi cuối nghĩa trang nên người quản trang đã “đặc cách” cho khách được đi xe vào tận nơi vì “đi bộ biết khi nào mới tới”.
mo dung ha
Mộ Dung Hà
Khu vực có mộ của Dung “Hà” hiện là một bãi đất trống. “Trước đây, khu đó là nơi chôn cất trước khi cải táng. Người ta cải táng hết rồi, chỉ còn lại đúng 2 ngôi mộ. Một chôn năm 2005 và mộ cô Dung chôn từ năm 2000”, người quản trang cho biết.
Đặc điểm nổi bật và dễ nhận biết nhất của ngôi mộ này chính là hai cây cau vua (còn được gọi là cau sâm-banh) trồng hai bên. Theo lời người quản trang thì hai cây cau được trồng chỉ vài ngày sau đám tang của bà trùm. Sau 14 năm, chúng đã lớn và hiện đang trổ hoa. Ngoài ra còn có 1 cây mai vàng được đệ tử của Dung mang đến trồng vào khoảng 6 năm trước.
Trên tấm bia mộ có mái che, ghi tên Vũ Hoàng Dung và ngày mất. Bát hương cắm đầy chân hương và những loại thuốc lá đắt tiền như ba số, Marlboro… Hai bình hoa trước mộ hoa vẫn tươi, chứng tỏ có người mới đến.
Càng bất ngờ hơn khi người quản trang cho biết: “Mộ cô Dung vẫn thường xuyên có nhiều người thăm viếng. Đặc biệt, ngày rằm mùng một thì không khi nào thiếu”. Hỏi ra mới biết, sau ngày Dung được chôn cất, hàng ngày vẫn có rất đông đệ tử của “chị cả” tới thăm nom. “Về sau, số người tới viếng mộ có ít hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn có tốp khi thì hai người, lúc thì ba người tìm đến. Toàn là những người săm trổ, dáng vẻ hầm hố nên nhìn qua đã biết là dân giang hồ. Họ bao giờ cũng mang hoa tươi, hoa quả ngon và thường để lại luôn chứ không mang về”, một nhân viên của nghĩa trang cho biết.
Ngoài những bạn hữu và đàn em năm xưa của Dung “Hà” thì người trong gia đình thường xuyên đến thăm mộ Dung chính là Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh “Hà”, chị ruột của Dung). Oanh cũng là một “chị cả” sừng sỏ trong giới bài bạc. Tháng 3 – Lễ Thanh Minh năm vừa rồi, Oanh Hà có dẫn hai người con đến trước mộ em gái nói lời từ biệt để “đi xa”. Không ngờ tháng 7/2014 vừa qua, Oanh đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng bắt khi đang tham gia đánh bạc (sóc đĩa) tại TP.Đà Lạt.
Có một câu chuyện rằng khi bị công an bắt, Oanh vẫn tỏ ra rất bình tĩnh và “cứng đầu”. Lúc bị trinh sát dẫn giải đến khách sạn lưu trú để khám xét, Oanh Hà luôn ngó nghiêng tìm cách trốn thoát nhưng bất thành. Khám xét người Oanh, công an tìm thấy giấy CMND đã cũ mang tên Vũ Hoàng Dung (tức Dung “Hà”).
Oanh kể từ khi em gái bị bắn chết, Oanh giữ lại giấy CMND này và luôn mang trong người. Thấy cán bộ chưa trả lại, Oanh còn “hù”: “Cán bộ mà giữ lại, đêm đến Dung nó về đứng trước đầu giường nó làm thế này… thế này… (Oanh giơ tay giả làm “ma” hù dọa), khỏi ngủ nổi đó”.
Oanh là người chăm nom tích cực nhất cho mộ phần của em. Ngoài việc thường xuyên đến thắp hương, Oanh cũng chi tiền hậu hĩnh cho lực lượng quản trang để “lưu tâm” luôn giữ cho cỏ trên mộ Dung được xanh tốt. Oanh từng tiết lộ, việc làm này là theo ý nguyện của Dung dặn lại trước ngày chết.
Theo đó, bà trùm có trăng trối là phải giữ cho mộ của mình luôn được “xanh mồ tốt cỏ”. Ngoài ra, còn phải trồng hai cây cau ở hai bên. Đó là hai cây cau sâm-banh (hình dáng phình to giống như chai champagne) vừa sang trọng vừa lấy bóng râm. Phần mộ cũng không được xây mà trồng cỏ lên trên để cho âm dương điều hòa.
Thông thường, với các phần mộ khác thì chỉ từ 3-5 năm sẽ được gia đình cải táng. Thế nhưng mộ của Dung vẫn nằm nguyên sau từng ý năm. Lý giải về điều này, ông Trưởng ban quản lý nghĩa trang cho biết: “Lúc chôn cất, chúng tôi đã tháo quan tài kẽm ra, tuy nhiên do thi thể được tiêm phóc-môn để bảo quản nên thời gian chờ cải táng phải kéo dài hơn. Một lý do nữa là do không có người thân đến lo liệu làm thủ tục. Năm 2013, cô Oanh có đăng ký nhưng rồi lại lùi lại tới tháng 11 năm nay”.
Dự kiến sau khi được cải táng, phần mộ của Dung “Hà” sẽ được gia đình đưa về quê ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Thế nhưng với việc Oanh “Hà” mới bị bắt giữ gần đây thì e rằng kế hoạch kia vẫn chưa biết đến khi nào mới được thực hiện.
Trong quá trình “hành tẩu giang hồ”, Dung “Hà” đã gây thù chuốc oán với rất nhiều người. Lúc còn sống, Dung rất được đàn em nể phục vì bà trùm này sống rất “có tình có nghĩa”, chỉ thích “xé vé” kẻ mạnh mà không bao giờ hiếp đáp kẻ yếu. Có lẽ vì thế mà đến nay tên tuổi của Dung “Hà” vẫn được đặt trang trọng trong lòng của dân giang hồ đất Cảng. Xin được mượn lời của Thiếu tướng Nguyễn Văn Thụ, người có 10 năm giữ chức Giám đốc Công an TP.Hải Phòng, để kết thúc bài viết này: “Đó là người phụ nữ bản lĩnh, biết sống và chăm sóc, yêu thương người yếu (thế) hơn mình. Giá như đi đúng hướng, cuộc đời người phụ nữ này sẽ làm được nhiều việc có ích cho xã hội chứ không phải là “bà trùm” tai tiếng”…
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết tổng hợp của Luật Quốc Bảo. 

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.