Hiện tại, hoạt động kinh doanh ngành điện đã được mở rộng ra cho các cá nhân và tổ chức. Bên cạnh đó, các quy định về thủ tục, hồ sơ và trình tự cấp phép hoạt động phát điện truyền tải phân phối bán buôn bán lẻ tư vấn chuyên ngành điện lực cũng phức tạp, khiến cho nhiều doanh nghiệp phải bối rối.
Qua bài viết sau, Luật Quốc Bảo sẽ đem lại cho bạn những hướng dẫn bao quát và cập nhật nhất về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực điện lực theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Mục lục
- 1 Kinh doanh ngành điện lực bao gồm các hoạt động nào?
- 2 Điều kiện kinh doanh hoạt động phát điện truyền tải phân phối bán buôn bán lẻ tư vấn chuyên ngành điện lực theo quy định của pháp luật
- 2.1 Điều kiện chung để doanh nghiệp được cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực
- 2.2 Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phát điện
- 2.3 Điều kiện cấp giấy phép hoạt động truyền tải điện
- 2.4 Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phân phối điện
- 2.5 Yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình hoạt động điện lực
- 2.6 Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bán buôn điện
- 2.7 Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bán lẻ điện
- 2.8 Điều kiện cấp giấy phép xuất, nhập khẩu điện
- 3 Trình tự, hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh điện lực
- 4 Mẫu đơn xin cấp giấy phép hoạt động điện lực
- 5 Một số câu hỏi thường gặp về kinh doanh hoạt động phát điện truyền tải phân phối bán buôn bán lẻ tư vấn chuyên ngành điện lực
Kinh doanh ngành điện lực bao gồm các hoạt động nào?
Khái niệm hoạt động kinh doanh điện lực
Theo khoản 1, Điều 3, Luật Điện lực 2004 hoạt động điện lực định nghĩa như sau:
– Hoạt động điện lực: là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.
Bên cạnh đó luật cũng đưa ra định nghĩa cụ thể đối với một số khái niệm liên quan dưới đây:
– Đơn vị điện lực: là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.
– Bán buôn điện: là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực này cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.
– Bán lẻ điện: là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện.
– Khách hàng sử dụng điện: là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác.
– Khách hàng sử dụng điện lớn: là khách hàng sử dụng điện có công suất và sản lượng tiêu thụ lớn theo quy định của Bộ Công nghiệp phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện.
Mã ngành, nghề đăng ký kinh doanh hoạt động điện lực
Hiện nay, mã ngành nghề sản xuất, truyền tải, phân phối điện đã được quy định trong Danh mục ngành nghề kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện cần phải đăng ký mã, ngành nghề kinh doanh như sau:
3511: Sản xuất điện
35111: Thủy điện, gồm hoạt động sản xuất điện từ năng lượng nước;
35112: Nhiệt điện than, gồm hoạt động sản xuất điện từ than đá;
35113: Nhiệt điện khí, gồm hoạt động sản xuất điện từ khí thiên nhiên;
35114: Điện hạt nhân, gồm hoạt động sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân;
35115: Điện gió, gồm hoạt động sản xuất điện từ năng lượng gió;
35116: Điện mặt trời, gồm hoạt động sản xuất điện từ năng lượng mặt trời;
35119: Điện khác, gồm hoạt động sản xuất điện từ các dạng năng lượng khác, chưa được phân vào đâu: sóng biển, thủy triều, diezen…
3512: Truyền tải và phân phối điện
Nhóm này gồm: Việc chuyển điện từ nơi sản xuất đến các trung tâm phân phối và phân phối đến người sử dụng cuối cùng.
35121: Truyền tải điện
Nhóm này gồm:
– Hoạt động của các hệ thống truyền tải vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến hệ thống phân phối;
– Hoạt động trao đổi điện và khả năng truyền tải điện.
35122: Phân phối điện
Nhóm này gồm:
– Hoạt động của hệ thống phân phối (tức là gồm có các tuyến dây, cột, đồng hồ đo và dây dẫn) vận chuyển điện từ nơi sản xuất hoặc hệ thống truyền tải đến người tiêu dùng cuối cùng;
– Bán điện cho người sử dụng;
– Hoạt động của các trung gian hoặc đại lý điện mà sắp xếp việc mua bán điện thông qua hệ thống phân phối thực hiện bởi người khác;
Điều kiện kinh doanh hoạt động phát điện truyền tải phân phối bán buôn bán lẻ tư vấn chuyên ngành điện lực theo quy định của pháp luật
Căn cứ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ chi tiết một số điều của luật điện lực, điều kiện để tổ chức, cá nhân được phép hoạt động trong lĩnh vực truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ chuyên ngành điện lực được quy định như sau:
Điều kiện chung để doanh nghiệp được cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực
Tổ chức, cá nhân muốn được cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực phải đáp ứng các điều kiện chung sau:
– Là tổ chức, cá nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, gồm:
- Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;
- Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã;
- Hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Các tổ chức khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp phép.
– Có hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực hợp lệ.
– Nộp lệ phí, phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định.
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phát điện
Tổ chức đăng ký hoạt động phát điện, ngoài các điều kiện chung như trên, cần phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:
– Có dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được duyệt. Các hạng Mục công trình nhà máy điện được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, được kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định.
– Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện hoặc kỹ thuật phù hợp và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phát điện ít nhất 05 năm.
– Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành phù hợp, được đào tạo về an toàn, được đào tạo và cấp chứng chỉ vận hành nhà máy điện, thị trường điện theo quy định.
– Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu phù hợp với yêu cầu của hệ thống điện và thị trường điện lực theo quy định của pháp luật.
– Các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật.
– Có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án phát điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận, phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Có hệ thống phòng cháy và chữa cháy của nhà máy điện được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu theo quy định của pháp luật.
– Có quy trình vận hành hồ chứa đối với nhà máy thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
– Các tài liệu pháp lý về an toàn đập thủy điện đối với nhà máy thủy điện theo quy định của pháp luật.
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động truyền tải điện
Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật đăng ký hoạt động truyền tải điện phải đáp ứng các Điều kiện sau:
– Có trang thiết bị công nghệ, công trình đường dây và trạm biến áp được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế kỹ thuật được duyệt; được kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định.
– Người trực tiếp quản lý kỹ thuật phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc nhóm ngành công nghệ kỹ thuật điện và có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền tải điện ít nhất 05 năm.
– Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành điện, được đào tạo về an toàn điện và có giấy chứng nhận vận hành theo quy định.
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phân phối điện
Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật đăng ký hoạt động phân phối điện phải đáp ứng các Điều kiện sau
– Có trang thiết bị công nghệ, công trình đường dây và trạm biến áp được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế kỹ thuật được duyệt; được kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định.
– Người trực tiếp quản lý kỹ thuật phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc nhóm ngành công nghệ kỹ thuật điện và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối điện ít nhất 03 năm. Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành điện, được đào tạo về an toàn điện và có giấy chứng nhận vận hành theo quy định.
– Tổ chức, cá nhân hoạt động phân phối điện tại nông thôn phải đáp ứng điều kiện:
- Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải được đào tạo chuyên ngành điện và có kinh nghiệm làm việc với lưới điện ít nhất 03 năm.
- Người trực tiếp vận hành, sửa chữa điện phải được đào tạo chuyên ngành điện hoặc có giấy chứng nhận đào tạo về điện do cơ sở dạy nghề cấp, được huấn luyện và sát hạch về an toàn điện và được cấp thẻ an toàn điện theo quy định của pháp luật.
Quý khách tham khảo: Luật Quốc Bảo – Hotline/zalo: 0763387788
Thành lập hộ kinh doanh cá thể | Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh | Hộ kinh doanh cá thể là gì |
Yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình hoạt động điện lực
Tổ chức hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải tuân thủ quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bán buôn điện
Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật đăng ký hoạt động bán buôn điện phải đáp ứng điều kiện:
– Người trực tiếp quản lý kinh doanh bán buôn điện phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện, kỹ thuật, kinh tế, tài chính và có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện ít nhất 05 năm.
– Đơn vị đáp ứng được điều kiện về bán buôn điện được phép hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu điện.
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bán lẻ điện
Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật và cá nhân đăng ký hoạt động bán lẻ điện phải đáp ứng Điều kiện sau
– Người trực tiếp quản lý kinh doanh bán lẻ điện phải có bằng trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành điện, kỹ thuật, kinh tế, tài chính và có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện ít nhất 03 năm.
– Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành điện hoặc có giấy chứng nhận đào tạo về điện do cơ sở dạy nghề cấp, được đào tạo an toàn điện theo quy định.
– Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với yêu cầu của thị trường điện lực.
Điều kiện cấp giấy phép xuất, nhập khẩu điện
Tổ chức đăng ký hoạt động mua bán điện với nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện chung quy định tại Điều 28 Nghị định này và các điều kiện sau:
– Chủ trương mua bán điện với nước ngoài được duyệt theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
– Phương án mua bán điện với nước ngoài được Cơ quan Điều tiết điện lực thẩm định.
– Người trực tiếp quản lý kinh doanh điện phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện, kinh tế, tài chính hoặc chuyên ngành tương tự và có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện ít nhất 05 năm.
– Người trực tiếp quản lý kỹ thuật phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện hoặc chuyên ngành tương tự và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối và kinh doanh điện ít nhất 05 năm.
Trình tự, hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh điện lực
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực phát điện
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
– Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca nhà máy điện theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo;
– Bản sao bằng tốt nghiệp và hợp đồng lao động với chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành của người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca nhà máy điện;
– Tài liệu về kết quả tập huấn sát hạch đạt yêu cầu về an toàn và giấy chứng nhận vận hành được cấp điều độ có quyền điều khiển cấp theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành của đội ngũ trưởng ca nhà máy điện.
– Bản sao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện, dự án đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.
– Bản sao Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc văn bản xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường dự án đầu tư nhà máy điện của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về môi trường.
– Bản sao Quyết định phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa của cơ quan có thẩm quyền (đối với nhà máy thủy điện).
– Bản sao biên bản nghiệm thu hoàn thành lắp đặt tổ máy hoặc hệ thống pin năng lượng mặt trời; bản sao tài liệu xác định thông số chính của nhà máy điện (thông số tua bin, máy phát hoặc tấm pin, bộ chuyển đổi; máy biến áp chính).
– Bản sao biên bản nghiệm thu hoàn thành lắp đặt hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông phục vụ vận hành thị trường điện; bản sao biên bản nghiệm thu hoàn thành lắp đặt hệ thống SCADA phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện (đối với nhà máy tham gia thị trường điện).
– Bản sao biên bản nghiệm thu đập thủy điện; phương án bảo vệ đập và hồ chứa nước, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp (đối với nhà máy thủy điện).
– Trường hợp nhà máy điện, tổ máy phát điện dự phòng không nối lưới và chỉ phát điện để bán điện cho khách hàng khi sự cố mất điện từ lưới điện quốc gia, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép không bao gồm nội dung quy định tại Khoản 8 Điều này.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực truyền tải điện, phân phối điện
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
– Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca vận hành theo Mẫu 3b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo;
– Bản sao bằng tốt nghiệp của người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca vận hành;
– Tài liệu về kết quả tập huấn sát hạch đạt yêu cầu về an toàn hoặc thẻ an toàn điện theo quy định tại Điều 64 Luật Điện lực, giấy chứng nhận vận hành được cấp điều độ có quyền điều khiển cấp theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành của đội ngũ trưởng ca vận hành.
– Danh mục các hạng mục công trình lưới điện chính và phạm vi lưới điện do tổ chức đang quản lý. Trường hợp mua bán, sáp nhập, bàn giao không hoàn vốn tài sản lưới điện phải có Biên bản nghiệm thu theo quy định hoặc Biên bản bàn giao tài sản.
– Bản sao Thỏa thuận đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo quy định; bản đồ ranh giới lưới điện và phạm vi hoạt động.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 21/2020/TT-BCT.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
– Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kinh doanh theo Mẫu 3b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao bằng tốt nghiệp của người có tên trong danh sách.
Mẫu đơn xin cấp giấy phép hoạt động điện lực
(TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …/… | …, ngày … tháng … năm … |
ĐỀ NGHỊ
Cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép hoạt động điện lực
Kính gửi: 1……………………………………..……………….
Tên tổ chức đề nghị:………………………………………….……………………………………..
Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):………………………………….………………………..
Có trụ sở chính tại:…..….…. Điện thoại:………… Fax:……..…; Email:…………….….
Văn phòng giao dịch tại (nếu có):…….. Điện thoại:……… Fax:……; Email:……….
Thành lập theo Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:……. ngày… tháng… năm…
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do… cấp, mã số doanh nghiệp………, đăng ký lần… ngày… tháng… năm…
Giấy phép hoạt động điện lực số:….. do……. cấp ngày…………………….. (nếu có).
Ngành nghề đăng ký kinh doanh:………………………………………….……………………
Đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực cho lĩnh vực, phạm vi, thời hạn hoạt động sau đây:
– ………………………………………………………………..…………………………………………..
– ………………………………………………………………..…………………………………………..
Các giấy tờ kèm theo:
– ………………………………………………………………..…………………………………………..
– ………………………………………………………………..…………………………………………..
Đề nghị2… cấp giấy phép hoạt động điện lực cho… (tên tổ chức đề nghị).
…(Tên tổ chức) xin cam đoan hoạt động đúng lĩnh vực và phạm vi được cấp phép, đồng thời tuân thủ các quy định trong giấy phép hoạt động điện lực./.
LÃNH ĐẠO (Ký tên, đóng dấu) |
Một số lưu ý:
– (1) Gửi cơ quan tiếp nhận và giải quyết các thủ tục thẩm định hồ sơ hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép: Sở Công Thương, Cục Điều tiết điện lực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Công Thương.
– (2) Gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép: Sở Công Thương, Cục Điều tiết điện lực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Công Thương.
Một số câu hỏi thường gặp về kinh doanh hoạt động phát điện truyền tải phân phối bán buôn bán lẻ tư vấn chuyên ngành điện lực
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt tiền trong lĩnh vực điện lực được quy định thế nào?
– Hình thức xử phạt chính:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
- Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
- Đình chỉ hoạt động điện lực có thời hạn; đình chỉ hoạt động dán nhãn năng lượng có thời hạn.
– Mức phạt tiền:
- Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực điện lực là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức;
- Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện,
- Mức phạt trên không áp dụng cho các hành vi vi phạm hành chính được quy định do tổ chức thực hiện tại Điều 5, Điều 7, Điều 8, từ khoản 2 đến khoản 6 Điều 9, Điều 10, khoản 4
- Các khoản từ khoản 6 đến khoản 9 Điều 11, Điều 13, Điều 14, Điều 20, khoản 2 Điều 21, Điều 23, Điều 31 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Các hành vi nào vi phạm quy định về Giấy phép hoạt động điện lực? Mức xử phạt cho các hành vi trên là bao nhiêu?
Căn cứ theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2013/NĐ-CP về vi phạm lĩnh vực điện lực, các hành vi vi phạm và mức xử phạt được áp dụng như sau:
– Phạt tiền tổ chức từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ bản chính Giấy phép hoạt động điện lực tại trụ sở của tổ chức hoặc không lưu giữ bản sao Giấy phép hoạt động điện lực tại văn phòng giao dịch của tổ chức.
– Phạt tiền tổ chức từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép theo quy định;
- Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày thay đổi tên, địa chỉ trụ sở.
– Phạt tiền tổ chức từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Hoạt động điện lực trong thời gian Giấy phép hoạt động điện lực bị mất, bị thất lạc mà không báo cáo cơ quan cấp giấy phép;
- Không báo cáo với cơ quan cấp giấy phép chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực trong trường hợp Giấy phép hoạt động điện lực còn thời hạn sử dụng.
– Phạt tiền tổ chức từ 90.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày thay đổi các nội dung trong Giấy phép hoạt động điện lực, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
- Không tuân thủ một trong các nội dung của Giấy phép hoạt động điện lực, trừ các hành vi khác quy định tại Nghị định này;
- Tự ý sửa chữa, cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy phép hoạt động điện lực.
– Phạt tiền tổ chức từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Cung cấp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép không chính xác, không trung thực;
- Hoạt động điện lực khi Giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng;
- Không đảm bảo một trong các điều kiện hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật trong suốt thời gian hoạt động.
– Phạt tiền tổ chức từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Hoạt động điện lực mà không có Giấy phép hoạt động điện lực, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;
- Hoạt động điện lực trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp lại Giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động điện lực trong thời gian vi phạm để sung vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4, điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều này.
Trên đây là những thông tin đầy đủ và cập nhật nhất chúng tôi gửi đến bạn về những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động Hoạt động phát điện truyền tải phân phối bán buôn bán lẻ tư vấn chuyên ngành điện lực.
Nếu quý khách không có thời gian hay gặp những khó khăn khi thực hiện các thủ tục kể trên, hoặc cần tư vấn thêm thông tin về lĩnh vực đầu tư kinh doanh, hãy liên hệ ngay với Luật Quốc Bảo theo số điện thoại Hotline: 0763 387 788 để được đội ngũ luật sư nhiều kinh nghiệm của chúng tôi tư vấn một cách rõ ràng và cụ thể nhất.