Nguyễn Thái Luyện Và Những Đồng Phạm

Tiểu sử Nguyễn Thái Luyện

Nguyễn Thái Luyện sinh ngày 5 tháng 4 năm 1985.
Nguyễn Thái Luyện sinh ra tại Gia Lai, đăng ký hộ khẩu tại 65 Đào Duy Từ, xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Trình độ học vấn của Nguyễn Thái Luyện: Tốt nghiệp học trường Đại học Mở 
Luyện vốn là nhân viên môi giới bất động sản dạng nhỏ lẻ, kiếm sống bằng nghề môi giới đất nền ở khu vực vùng ven TP.HCM.
Đầu quân làm nhân viên môi giới cho một số công ty rồi đến giữa năm 2016, Luyện chính thức ra làm riêng với cái tên Alibaba.
Chính vì có thời gian nhiều năm làm nhân viên môi giới đất nền ở vùng ven TP.HCM và các tỉnh thành lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… nên Luyện am hiểu nghề bán đất nền.
Untitled11
Nguyễn Thái Luyện

Thành lập Công Ty CP địa ốc Alibaba

Tháng 5/2016, Luyện thành lập công ty CP địa ốc Alibaba, ban đầu trụ sở chính là đường Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, sau dời về đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức và cũng chăm chú vào nghề môi giới đất nền.
Có thể nói hình thức của Luyện là biến tướng, không như các công ty hoạt động môi giới đất nền bình thường. Luyện dùng chiêu thức tinh vi, lập dự án ma, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để lừa khách hàng.
Luyện còn chủ trương hoạt động công ty theo hình thức đa cấp, đội ngũ nhân viên cũng tham gia đóng góp “cổ phần” vào. Chính vì thế, không mấy khó hiểu khi xảy ra các vụ việc như: bị cưỡng chế ở các dự án ma, bị cơ quan pháp luật điều tra, bị báo chí phản ánh… thì đội ngũ nhân viên của Alibaba vẫn… sống chết, vì hơn hết có phần tiền đóng vào, có quyền lợi trong đó.
Khi bước ra làm chủ, Luyện cũng “nâng đỡ” những người em ruột, những người thân tham gia vào công ty. Điển hình như trường hợp Nguyễn Thái Lĩnh là em ruột, vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam. Hay như ông Nguyễn Thái Lực (một người em ruột khác của Luyện), được giao nhiệm vụ đi thu mua đất nông nghiệp, đứng tên rồi vẽ ra các dự án ma là dự án hoành tráng, nhằm lừa khách hàng.

Những phát ngôn, cách hành xử gây “sốc” của Nguyễn Thái Luyện

Có thể nói CEO Nguyễn Thái Luyện tổ chức, vận hành công ty địa ốc Alibaba theo cách không giống ai. Luyện liên tục gây chú ý bởi những phát ngôn, cách hành xử gây sốc.
Cái sốc đầu tiên là mức độ tăng trưởng” Thánh Gióng” ở các công ty mà Luyện lập ra. Điển hình công ty gốc, tức công ty CP địa ốc Alibaba, tháng 5/2016 khi thành lập vốn 1 tỷ đồng. Hơn 4 tháng sau, trong lần thay đổi đầu tiên, Luyện loan báo vốn điều lệ đã lên đến 20 tỷ đồng. Và hơn 1 năm khi thành lập, tức lần thay đối thứ 2, Luyện “nổ” vốn điều lệ là 1.600 tỷ đồng.
Trong công ty mẹ này, Luyện chiếm 80% cổ phần; Lĩnh và 1 người khác chia đều cho 20% cổ phần còn lại.
Công ty thứ 2 là công ty CP địa ốc Alibaba Tây Bắc thành lập cuối năm 2017, vốn điều lệ như quảng bá là hơn 10 ngàn tỷ đồng. Trong đó có dấu ấn của Luyện, thể hiện trong công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali.
Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali (tiền thân có tên gọi là Công ty TNHH một thành viên Renthouse) được Luyện thành lập cuối năm 2010, chỉ duy nhất Luyện làm giám đốc, có vốn điều lệ 100 triệu đồng. Nhưng giữa năm 2017, khi thay đổi địa điểm về trụ sở chính ở đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức cũng là trụ sở chính của công ty CP địa ốc Alibaba thì ông Luyện loan báo vốn điều lệ của công ty Ali lên đến 100 tỷ đồng.
Đáng nói hơn trong quá trình vận hành công ty, CEO Nguyễn Thái Luyện thể hiện mình là con người không được bình thường. Mở hàng loạt khoá học môi giới bất động sản, lôi kéo nhân viên công ty hệt như mô hình đa cấp.
Trong những khoá học đó, trong những lời thuyết giảng hay trên các trang mạng của Alibaba, Luyện luôn “nổ” về mức độ thiên tài, đặt mình cao hơn những nhân vật lịch sử như: Thành Cát Tư Hãn, Gia Cát Lượng…

Những con số ảo

Theo nhiều chuyên gia phân tích thì vốn điều lệ ở các công ty mà Luyện “nổ” ngàn tỷ đồng đều là con số ảo, nhưng Luyện luôn nổ công ty của mình là lớn nhất, số 1 khu vực Đông Nam Á.
Chính phát ngôn gây sốc và “nổ” ít ai bằng nên cách làm ăn của Luyện cũng không giống ai. Hàng loạt khu đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành, Luyện và “bộ sậu” Alibaba thu gom, vẽ ra các dự án ma nhằm đưa nhiều khách hàng sập bẫy. Thủ đoạn mà Luyện đưa ra là đánh vào tư duy hám lợi của người dân trong đầu tư bất động sản, hứa hẹn sinh lời “khủng”.
Khi báo chí phanh phui hàng loạt dự án của Alibaba thì bản thân Luyện là đầu tàu công ty có những đáp trả trên mạng xã hội. Điển hình như diễn biến sau vụ cưỡng chế dự án ma ở xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì giữa tháng 6 vừa qua, Luyện tổ chức phát trực tiếp trên mạng xã hội để nói rõ về vụ việc này. Trong đó, thể hiện những lời nói hằn học, không chỉ vu khống trực tiếp đến Chủ tịch UBND xã mà còn xúc phạm đến lực lượng Công an xã…
Cách hành xử, phát ngôn “sốc” như thế nên việc Nguyễn Thái Luyện và nhiều cá nhân ở công ty Alibaba, gây bức xúc cho nhiều người là điều dễ hiểu. 

Nguyễn Thái Luyện có những công ty nào?

Nguyễn Thái Luyện là cổ đông lớn nhất ở những công ty gồm: 
1. Công ty CP Địa ốc Alibaba
 2. Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali
3. Công ty CP Vận Tải Alibaba
4. Công ty CP Alibaba Law Firm.
5. Công ty TNHH Truyền thông Ali
6. Công ty TNHH Xây dựng Maluna
7. Công ty TNHH Alibaba Tân Thành
8. Công ty CP Địa ốc Long Thành Ali
9. Công ty CP Địa ốc Tia Chớp
10. Công ty CP Địa ốc Chiến Binh Thép
11. Công ty CP BĐS Địa ốc Ali Land
12. Công ty CP BĐS Địa ốc Chiến Thắng
13. Công ty CP BĐS Bigbang.
14. Công ty CP Địa ốc Đầu tư và Phát triển Sparta Land
15. Công ty CP Địa ốc Đầu tư và Phát triển TL Land
16. Công ty CP Ali Xanh 
17. Công ty CP Địa ốc Đầu tư và Phát triển 108
18. Công ty TNHH Giải pháp Tài chính MTV Ali
19. Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Địa ốc Xanh
20. Công ty TNHH Thời trang Ali33

Khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Alibaba
Trăm cảnh sát khám xét trụ sở, bắt giữ Chủ tịch HĐQT Alibaba Chiều 18/9/2019, trụ sở Công ty địa ốc Alibaba ở TP.HCM bị phong tỏa. Hàng trăm cảnh sát có mặt tại đây để bắt Chủ tịch HĐQT và Giám đốc công ty này.
Tối 24/9, nguồn tin của Zing.vn cho hay VKSND TP.HCM đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM, đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, em trai Luyện, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba) về hành vi tương tự.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên thu gom nhiều đất nông nghiệp.
Nhóm cầm đầu sau đó giao cho các cá nhân đứng tên rồi tự vẽ ra dự án không có thật để bán cho 6.700 khách hàng, qua đó chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Qua khám xét, cơ quan điều tra thu giữ hơn 9 tỷ đồng, 20 thỏi vàng, 3 ôtô cùng 376 thùng tài liệu.
Công an TP.HCM khẳng định việc bắt 2 anh em Luyện và Lĩnh đúng theo trình tự của pháp luật. Công an đã đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh Luyện và Lĩnh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến nay, đã có hàng trăm người dân đến Cơ quan Cảnh sát điều tra tố cáo hành vi lừa đảo của anh em ông Luyện.
Nhân viên Alibaba nói lý do không rời công ty dù anh em Luyện bị bắt Nhân viên Alibaba cho biết họ đều mua đất tại công ty với giá từ 3 triệu đồng/m2, nên giờ muốn nghỉ cũng khó, không thể lấy lại tiền, vì vậy họ phải bám công ty.

5 bước lừa đảo hơn 4.361 bị hại với tổng số tiền 2.264 tỷ đồng của Chủ tịch Alibaba

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện cùng 23 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi), Nguyễn Thái Lĩnh (32 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị đề nghị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Một bị can khác là Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố tội Rửa tiền.
Kết luận điều tra bổ sung xác định Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”. Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu để lừa bán cho 4.130 bị hại, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Qua quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ 5 bước mà Luyện chủ mưu, chỉ đạo các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Bước 1:

Nguyễn Thái Luyện dùng một ít tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.

Bước 2:

Luyện chỉ đạo người thân, nhân viên Công ty Alibaba đã đứng tên nhận chuyển nhượng đất như trên, lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập, để các công ty này vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định.

Bước 3:

Sau khi nhận được ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa từ 100 m2 đến dưới 400 m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài…) rồi dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc lập dự án, không đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất.

Bước 4:

Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án tự vẽ với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án nêu trên, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật kinh doanh bất động sản.

Bước 5:

Sau khi khách hàng đồng ý mua, theo sự quảng cáo của Công ty Alibaba, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện sử dụng thủ đoạn bán hàng như: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận QSDĐ dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng (PLHĐ) kèm theo.
22 công ty con không hoạt động, chỉ khai thuế môn bài
Thực tế, toàn bộ “Dự án” đều do Công ty Alibaba tự vẽ trên đất nông nghiệp đặc biệt lớn, không phải đất thổ cư, chưa được phép phân lô tách thửa như quảng cáo. Việc đưa ra quyền chọn hoặc các PLHĐ kèm theo chỉ nhằm mục đích thu hút nhiều nhà đầu tư vào các “Dự án”.
Ngoài hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Công ty Alibaba cùng 22 pháp nhân trực thuộc cùng chi nhánh, đều không có hoạt động kê khai, báo cáo, nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chỉ khai báo nộp thuế môn bài; đều do nhân viên Công ty Alibaba đứng tên, vận hành, dưới sự chỉ đạo của Luyện, không phát sinh doanh thu độc lập. Con dấu pháp nhân, chi nhánh và hồ sơ đăng ký kinh doanh do Võ Thị Thanh Mai trực tiếp quản lý, chỉ giao cho Trang Chí Linh (SN 1991, Phó Tổng pháp lý Công ty Alibaba) mỗi khi sử dụng.
Toàn bộ bản chính giấy chứng nhận QSDĐ sau khi hoàn tất nhận chuyển nhượng, sang tên từ chủ đất nông nghiệp, đều do Võ Thị Thanh Mai quản lý, chỉ giao cho Trang Chí Linh mỗi khi sử dụng, chủ yếu để giới thiệu cho khách hàng tin Công ty Alibaba có nguồn đất hợp pháp, đúng mục đích sử dụng theo nội dung quảng cáo, từ đó ký hợp đồng thoả thuận, chuyển nhượng.

Hai nhân viên công ty địa ốc Alibaba bị bắt giam

Ngày 22/6, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản. 

Toàn cảnh vụ Alibaba sau gần hai tuần xét xử

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Thái Luyện cùng 22 bị cáo khác bị VKSND TP.HCM truy tố về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) đã kết thúc phần tranh luận và chuyển sang phần nghị án.
Chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng của 4.550 bị hại
Theo đó, VKS cáo buộc Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Địa ốc Alibaba và 22 công ty con. Sau đó, Luyện cho người thân hoặc nhân viên thân tín đứng tên mua một lượng lớn đất nông nghiệp rồi dùng các pháp nhân trong cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật. Với vai trò chủ mưu, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng của 4.550 bị hại.
Bị cáo Luyện bị VKS đề nghị mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội này, 19 bị cáo khác bị đề nghị mức án 12-20 năm tù. Đối với tội rửa tiền, có ba bị cáo bị đề nghị mức án 5-14 năm tù.
Trong quá trình xét hỏi, nhiều bị hại có yêu cầu Công ty Alibaba giao đất đúng như hợp đồng đã ký. Cũng có nhiều bị hại muốn nhận lại tiền, số ít trong đó là muốn rút tên ra khỏi danh sách bị hại để chuyển qua giải quyết bằng một vụ án dân sự.
Về phía các bị cáo, khai tại tòa, tất cả các bị cáo đều khai rằng những hành vi như trong cáo trạng đã truy tố là đều nghe theo sự chỉ đạo, sắp xếp của Nguyễn Thái Luyện.
Gần một nửa trong số các bị cáo cho biết có quan hệ họ hàng, người thân của Luyện nên tin tưởng và làm theo. Phần còn lại là các bị cáo từng làm nhân viên sau đó được Luyện “cất nhắc” bổ nhiệm vào các vị trí như phó Tổng Giám đốc Đào tạo, phó Tổng Giám đốc Nhân sự, Giám đốc các công ty thành viên…nên đã phục vụ theo sự chỉ đạo của bị cáo Luyện.
Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong số các bị cáo thì duy nhất có bị cáo Luyện kêu oan vì cho rằng mình thực hiện làm dự án, tách thửa là đúng theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về tội rửa tiền, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) cũng đã kêu oan và cho rằng số tiền 13 tỉ đồng không lấy từ nguồn tiền bất hợp pháp.

VKS: Nguyễn Thái Luyện không oan

Bước sang phần tranh luận, đại diện VKSND TP.HCM một lần nữa khẳng định những dự án mà Nguyễn Thái Luyện đã “vẽ” ra đều là không có thật và vi phạm quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo VKS, để lập một dự án phân lô bán nền thì chủ đầu tư phải đảm bảo các điều kiện như phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất; phải được sự phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư phải thực hiện hoàn thiện các cơ sở hạ tầng (điện, đường, thoát nước…). Tuy nhiên, những trong những điều kiện trên các “dự án” của bị cáo Luyện đều không có (nếu có cơ sở hạ tầng thì cũng là làm đường trái phép trên đất nông nghiệp).
Ngoài ra, VKS còn cho biết dù những dự án không đủ các điều kiện pháp lý, không đủ điều kiện mở bán nhưng Luyện đã chỉ đạo nhân viên quảng cáo, giới thiệu rầm rộ. Đưa ra những thông tin gian dối như pháp lý đầy đủ, 100% là đất thổ cư có thể an cư lạc nghiệp…để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Từ đó, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và truy tố là không oan, đúng người, đúng tội.
Bào chữa cho thân chủ của mình, các Luật sư (LS) của bị cáo Luyện cho rằng thân chủ của mình không đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị chuyển tội danh sang tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo điều 228 BLHS.
Giải thích rõ hơn LS cho biết trong vụ án này, ý thức chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt quyết định cấu thành tội phạm. Luyện cùng các bị cáo khác trước khi nhận tiền của khách hàng đã lập hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng, mà hợp đồng là sự tự nguyện của các bên, đây là một quan hệ dân sự.
Hơn nữa, Luyện sau khi nhận tiền bị cáo Luyện không ôm tiền bỏ trốn mà tiếp tục thực hiện các dự án và chi trả tiền cho khách hàng hoặc công chứng sang tên cho khách hàng nhiều sổ đất có diện tích khoảng 500 m2 như cam kết.
Đối với các bị cáo khác, các LS đều đề nghị HĐXX xem xét một cách khách quan để phân hóa trách nhiệm, vai trò của từng bị cáo trong vụ án này. Vì cho rằng các bị cáo đều làm theo chỉ đạo của Luyện và bị ràng buộc bởi các mối quan hệ như sếp-nhân viên, quan hệ người thân nên mức án mà VKS đề nghị là quá nặng.
Vụ án Alibaba: Tuyên Nguyễn Thái Luyện mức án chung thân
NDO – Chiều 29/12, sau 21 xét xử, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên mức phạt đối với các bị cáo trong vụ án Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Alibaba. Trong đó, toà tuyên bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án chung thân.
Theo Hội đồng Xét xử, bị cáo Nguyễn Thái Luyện trong vai trò là chủ mưu, cầm đầu, giữ vai trò điều hành xuyên suốt chỉ đạo toàn bộ hoạt động Công ty Alibaba và 22 pháp nhân liên quan…
Đối với các mức án đã tuyên, trừ Nguyễn Thái Luyện, các bị cáo còn lại đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ, thậm chí có bị cáo được xem xét mức án dưới khung hình phạt.
Ngoài các hình phạt, Hội đồng Xét xử cũng tuyên về phần dân sự và các tài sản đang bị kê biên. Theo đó, bị cáo Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Luyện có trách nhiệm bồi thường hơn 2.445 tỷ đồng cho 4.548 bị hại.

Các mức án bị cáo bị tuyên cụ thể như sau:

– Nguyễn Thái Luyện: chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
– Võ Thị Thanh Mai: 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù.
– Nguyễn Thái Lực: 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 10 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 27 năm tù.
– Trang Chí Linh: 19 năm tù
– Trương Thị Hồng Ngọc: 18 năm tù
– Nguyễn Thái Lĩnh: 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
– Bùi Minh Đức: 17 năm tù
– Huỳnh Thị Ngọc Như: 17 năm tù
– Nguyễn Lê Hoàng Lan: 16 năm tù
– Trần Huy Phúc: 15 năm tù
– Phan Ngọc Nguyên: 15 năm tù
– Trịnh Minh Pháp: 13 năm tù
– Nguyễn Trần Phúc Nguyên: 12 năm tù
– Vũ Hoàng Hải: 12 năm tù
– Nguyễn Thị Vân Anh: 12 năm tù
– Đào Thị Thanh Lợi: 12 năm tù
– Nguyễn Huỳnh Tú Trinh: 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp với hình phạt 4 năm 6 tháng tù của bản án của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bị cáo chấp hành chung cho cả hai bản án là 16 năm 6 tháng tù.
– Nguyễn Quang Sơn: 10 năm tù
– Nguyễn Văn Kiên: 10 năm tù
– Nguyễn Trung Trường: 10 năm tù
– Vi Thị Hiến: 10 năm tù
– Võ Văn Trần Quang: 10 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
– Huỳnh Thị Kim Thắng: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội rửa tiền.

Một số chiêu trò của Nguyễn Thái Luyện

Chiêu thức “ru ngủ” nhân viên Alibaba của trùm lừa đảo Nguyễn Thái Luyện
Thời gian qua, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba) là cái tên “nóng” nhất trên báo đài và mạng xã hội, sau khi Luyện “nhúng chàm” về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hàng nghìn người đã bị lừa đảo vì “bánh vẽ” lợi nhuận quá lớn. Trong đó có nhiều nhân viên của Luyện. Họ bị “ngủ mê” với tâm sự từ đáy lòng về cuộc đời cơ cực và nghị lực làm giàu của Luyện.
Chị P.H, nhân viên Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, bày tỏ: “Từ một người đầu tư đất, tôi đã trở thành nhân viên của công ty này. Sau đó, tôi như người bị ngủ mê bởi tin vào cuộc đời cơ cực vươn lên làm tỷ phú và triết lý làm giàu của Luyện. Để tạo niềm tin cho các nhân viên, Luyện thường xuyên “chém gió” về cuộc đời cơ cực của mình với 6 lần bị đuổi việc và hành trình 1 năm 6 tháng không bán được hàng. Luyện còn gặp mặt nhân viên để chỉ bí quyết làm giàu có một không hai, cũng như động viên tinh thần tạo sự an tâm về tư tưởng”.
Cụ thể, “sếp” nói mình tốt nghiệp Đại học Mở TP Hồ Chí Minh năm 2010, chuyên ngành Kinh tế – Luật. Cũng như bao sinh viên mới tốt nghiệp khác, “sếp” khởi đầu với nhiều long đong. Trong sáu lần, Luyện được nhận vào làm việc tại các công ty cũng là 6 lần bị đuổi việc. Sau khi tốt nghiệp đại học, “sếp” đầu quân cho một công ty chứng khoán nhưng phải nghỉ việc chỉ sau 3 tháng. Sau đó, Luyện xin vào làm việc ở một công ty chuyên làm dịch vụ cho người nước ngoài thuê nhà. Với vốn tiếng Anh khá tốt, Luyện nhanh chóng bắt nhịp công việc và có ý tưởng phát triển dịch vụ cung ứng người giúp việc nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam với nguồn lao động từ Philippines. Nhận thấy đây là dịch vụ có nhiều tiềm năng phát triển, Luyện cùng một đồng nghiệp tiến hành thành lập công ty riêng.
Theo chị H, “sếp” còn kể rằng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Luyện từng suy nghĩ, nếu mình có ý tưởng kinh doanh tốt thì ngân hàng sẽ tài trợ vốn. Nhưng thực tế không như mong đợi, suốt 3 tháng trời, Luyện ròng rã đến ngân hàng thương mại ở quận 1, TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu vay vốn nhưng không ngân hàng nào đồng ý. Kiên trì tìm hiểu, cuối cùng “sếp” được ngân hàng chính sách xã hội đồng ý tài trợ vốn. Nhưng khi ngân hàng chuẩn bị giải ngân thì người cùng hùn vốn làm ăn với “sếp” lại có kế hoạch định cư ở nước ngoài. Một mình “sếp” không thể thực hiện nên kế hoạch bị phá sản.
Thất nghiệp, “sếp” phải làm phục vụ quán cà phê và được thực khách nước ngoài “mách nước” ở Diamond Plaza đang tuyển nhân viên. Dù trong lòng nghĩ không dễ để xin vào làm việc tại một trung tâm thương mại lớn như vậy nhưng vì cảm kích lòng tốt của vị khách kia nên “sếp” vẫn nộp hồ sơ. Qua 5 vòng phỏng vấn với 200 ứng viên, “sếp” là người duy nhất được tuyển dụng với công việc là nhân viên quản lý mặt bằng. Vào thời điểm đó, “sếp” không nghĩ đó là công việc kinh doanh bất động sản. Sau này, “sếp” mới biết đó là những kinh nghiệm bất động sản đầu tiên của mình. Năm đầu tiên kể từ khi thành lập công ty, có một thời gian nhân viên của Luyện là 40 người đúng như câu chuyện “Alibaba và 40 tên cướp”. Sau đó, số lượng sale tăng dần là khoảng 2.600 nhân viên, vốn của Luyện hàng nghìn tỷ đồng. Từ đó, mọi người càng “nể” và tin tưởng Luyện hơn.
“Ngoài ra, H. cũng mê vào “bánh vẽ” lợi nhuận của công ty này. H làm việc nông nhàn mà còn có mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. H. và nhiều nhân viên khác còn được công ty “ưu ái” cho mua các suất nội bộ, mà khi bán sang tay cho người khác có thể lãi hàng trăm triệu đồng. Do vậy, H. đã kêu gọi nhiều người thân cùng đầu tư vốn vào Công ty Alibaba. Đến khi Luyện bị cơ quan Công an “sờ gáy” thì H. đã bị người thân ruồng bỏ, chửi bới xúc phạm vì nghi lừa đảo. Lý do mà H. vẫn phải “gồng mình” cùng Công ty Alibaba vì không muốn mất số tiền hơn 400 triệu đồng tích góp suốt nhiều năm đã đầu tư vào công ty này”, chị H. bức xúc.
Cùng chung tâm trạng với chị H, chị N.T.Y (nhân viên Công ty Alibaba), cho biết thêm: “Em mến Luyện vì cách sống chân thực, không ngại dọn dẹp bồn cầu vệ sinh, nhặt rác để lấy lòng nhân viên. Trước khi công ty đóng cửa, em được lãnh đạo gọi đến công ty để giải thích, khuyên nhủ các khách hàng. Giải thích, trấn an khách hàng để họ hiểu rõ tình hình hoạt động của công ty sau biến cố. Sau khi vụ 3 anh em Luyện bị bắt, em mới hoàn toàn thức tỉnh bởi chiêu trò huy động vốn, lừa đảo đa cấp của Luyện. Khách hàng giờ đã đến cơ quan Công an tố cáo sự việc. Họ cũng yêu cầu em phải giải thích và đòi lại hơn 500 triệu đồng đã đầu tư vào công ty, nhưng thực tế em cũng hoàn toàn bất lực”.
Chị Y, chua xót: “Nói thật, em vừa là khách hàng cũng vừa là nhân viên. Bởi lẽ, phần lớn chúng em được mua suất nội bộ với giá rẻ hơn vài triệu đồng vừa hùn vốn với khách hàng đầu tư. Em có 3 khách hàng với 15 lô đất (mỗi lô đầu tư hơn 300 triệu đồng). Sau khi thất nghiệp, em sang bán hàng cho một công ty khác ở Bình Dương và chỉ được nhận tiền hoa hồng, mà không được nhận lương hậu hĩnh với mức hơn 7 triệu đồng của Công ty Alibaba. Nghĩ lại, thủ đoạn của sếp Luyện quá tinh vi. Số tiền này không thấm thía so với hàng trăm triệu đồng mình đã góp vào công ty xem như mất trắng. Hiện, em vẫn còn thiếu nợ hơn 200 triệu đồng của người thân, bạn bè mà không biết xoay sở thể nào. Họ vừa chửi bới vừa xúc phạm khiến em không thể làm việc được. Em cũng tính tìm đến vay nóng tín dụng đen với lãi suất cao nhưng sợ con mình cũng bị chúng đe dọa”. 
Một cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Bộ Công an, cho biết: Luyện chỉ đạo đồng bọn tự “vẽ” các khu đất nông nghiệp thành dự án khu dân cư cao cấp, thực tế là chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó. Đáng buồn, rất nhiều nhân viên cũng không nắm được quy định của pháp luật, nên có thể trở thành “nạn nhân” của Luyện, vì chiêu lừa đảo đa cấp tinh vi này. 
Đến nay, Công an làm rõ, địa ốc Alibaba có 40 dự án “ma” ở nhiều tỉnh thành. Thực tế, Alibaba không có sản phẩm đất nền như quảng cáo, như hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Và tính đến ngày 30/6/2019, địa ốc Alibaba và các công ty trực thuộc đã ký hợp đồng với 6.700 khách hàng, chiếm đoạt số tiền 2.500 tỷ đồng.

Vì sao nhiều người ‘sập bẫy’ Alibaba?

Cơ quan Điều tra (CQĐT) cho biết, bước đầu xác định có hơn 6.700 người giao dịch tại 40 dự án “ma” của Địa ốc Alibaba với số tiền lên đến hơn 2500 tỷ đồng. Những số liệu này khiến dư luận thắc mắc, vì sao báo chí cảnh báo đã lâu về Alibaba, nhưng vẫn có nhiều nạn nhân “sập bẫy” như thế?

Đánh vào tâm lý 

Một chuyên gia cho rằng có hai nhóm lý do khách quan lẫn chủ quan khiến đất nền Alibaba chào bán hút khách trong thời gian qua.

Đầu tiên là giá bất động sản tăng liên tục trên diện rộng bất chấp đã từng diễn ra sốt đất trong giai đoạn 2016-2018. Một vài nơi giá đất còn tăng đột biến đến mức chỉ trong 6 tháng đã đội giá gấp đôi. Biến động giá đất quá mạnh mẽ sau những cơn sốt chính là điều kiện thuận lợi cho Alibaba bán dự án ở vị trí xa xôi hẻo lánh trong bối cảnh đại đa số người Việt luôn muốn “ôm” đất làm của để dành và đầu tư.

Nhóm nguyên nhân khách quan trên đã khiến cho các nguyên nhân chủ quan, là những chiêu trò “buôn gian bán lận” của Alibaba phát huy tác dụng và hấp dẫn người mua. Chính vì sốt đất đã từng diễn ra nên việc kêu gọi “góp vốn mua đất nền giá cực rẻ chia sẻ lợi nhuận khủng” khiến nhiều người tin tưởng. Nhà đầu tư tay ngang, người dân thiếu hiểu biết sẵn sàng góp tiền cho Alibaba.

Hàng loạt công ty thuộc Alibaba mua đất nông nghiệp vị trí xa, diện tích lớn dễ đánh lừa khách hàng về “sự hoành tráng” của dự án. Đất càng nằm ở xa, giá càng thấp nhưng khách hàng túi tiền eo hẹp lại tưởng hời vì mua được giá “mềm” giữa thời giá đất leo thang. Lãnh đạo Alibaba còn liên tục diễn thuyết tô vẽ đạo đức bản thân, đồng thời bán hàng trực tiếp cho nhân viên để gây hiệu ứng đám đông.

Theo chuyên gia này, trong một thị trường bất động sản đã từng xảy ra nhiều biến động sốt đất, sản phẩm rẻ lập tức gây sốt, tất cả các chiêu “buôn gian bán lận” đất nền thường dễ tạo niềm tin cho khách hàng ở giai đoạn đầu. Điều này lý giải được vì sao các sản phẩm đất nền của Alibaba có thể dễ dàng bán cho nhiều người.

Nhìn nhận ở góc độ khác, một luật sư cho rằng mô hình huy động vốn đa cấp cam kết lợi nhuận của Alibaba là một trong những mắt xích quan trọng khiến các sản phẩm của đơn vị này thu hút nhiều người mua.

Công thức của Alibaba là cam kết lợi nhuận kèm theo quyền sử dụng đất hiện hữu và ponzi tài chính (vay người này trả nợ người khác – NV). Lợi nhuận được cam kết lên đến 28%. Đất hiện hữu là do người dân ủy quyền cho Alibaba vẽ dự án trái luật để bán giá siêu rẻ. So với chung cư, đất nền là kênh đầu tư hiệu quả hơn. Đây là lý do nhân viên sale của Công ty Alibaba dễ dàng thuyết phục khác hàng sập bẫy vì đất sờ được, thấy được và đi trên đó được.

Khi ponzi tài chính, Alibaba dùng chiêu huy động vốn theo phương pháp lấy tiền người này để trả cho người khác – một hình thức đa cấp. Sale bằng mọi giá mời gọi người mua xuống tiền đặt cọc và thu tiền theo tiến độ tự Alibaba đặt ra. Đội ngũ nhân viên hùng hậu bán đất theo công thức người mua đầu (F1) biết mình mua sản phẩm bất động sản có rủi ro về pháp lý vẫn tiếp tục bán đi cho người khác (F2, F3…).

Luật sư này cho biết, vòng tròn giao dịch đa cấp của Alibaba tạo nên một “từ trường” mạnh hút khách hàng lao vào mua nền đất. “Quả bom nổ chậm” cứ chuyền tay từ người này sang người kia. Người mua sau suy nghĩ đơn giản, chỉ cần không lỗ, không mất tiền, lại có lãi thì dại gì không đầu tư nên hồ sơ khách mua nền đất cứ thế tăng dần.

Cái bẫy chi phí đầu tư rẻ nhưng lãi khủng

Một chuyên gia bất động sản thì cho rằng Alibaba hút khách trong thời gian qua bằng cái bẫy chi phí đầu tư rẻ nhưng lãi khủng.

Đánh vào phân khúc đất nền giá rẻ, chỉ 200-300 triệu đồng một nền thậm chí chỉ có 100-150 triệu đồng vẫn tậu được một lô đất. Đa phần những người ham đất rẻ chỉ có bấy nhiêu tiền ít ỏi vốn không mua được gì nên rất háo hức đầu tư. Do không tiếp cận nhiều nguồn thông tin, người mua dễ bị dẫn dắt vào vòng tròn ma trận.

Bài toán cụ thể là mua đất có giá siêu rẻ, không ra được sổ Alibaba sẽ cam kết mua lại, lợi nhuận cam kết 20-28% trong 12 tháng. Một bức tranh sinh động được vẽ ra với rủi ro bằng không. Để hỗ trợ cho sàn diễn thêm sinh động, bên bán bố trí nhiều khách hàng làm cò mồi, nhân viên đứng tên mua chung.

Nhân viên cũng là khách hàng chính của công ty. Muốn được lên làm quản lý thì giới thiệu người vào và mua hàng để thể hiện tính trung thành với công ty. Mua càng nhiều càng được cộng điểm cống hiến. Một nhân viên giới thiệu được 5 người vào hệ thống này thì lên quản lý. Mỗi người về xin gia đình 100-200-300 triệu đồng để mua, thị trường đất nền từng nóng sốt nên bán được nhanh. Nhân viên sẽ được ưu tiên nhận lãi suất và tái đầu tư.

Alibaba còn dựng các clip nhận tiền lãi, chia sẻ lợi nhuận, làm giấy tờ văn bản giả… “Bẫy lãi suất và cam kết mua lại tinh vi khiến cho không chỉ khách hàng tay ngang mà ngay cả nhà đầu tư có thâm niên vẫn bị dính đòn”, chuyên gia này nhận xét.

Và với những thủ đoạn như trên, nhiều nạn nhân đã “sập bẫy”. CQĐT cho biết, bước đầu xác định có hơn 6.700 người giao dịch tại 40 dự án “ma” của Địa ốc Alibaba với số tiền lên đến hơn 2.500 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, 2 em trai Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh đã thu gom một lượng lớn đất nông nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai… rồi dùng pháp nhân Công ty Alibaba và các công ty con lập hàng chục dự án ảo, quảng cáo rầm rộ rồi phân lô bán trái luật; hoặc huy động vốn của hàng nghìn khách hàng. Các dự án này đều chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép…

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.